Mới đầu nghe qua, chắc hẳn, nhiều bạn sẽ nghĩ “viêm màng túi” là tên gọi của một căn bệnh nào đó liên quan đến cơ quan túi mật nằm trong cơ thể. Tuy nhiên, sự thật không phải vậy, bởi cụm từ này chỉ là cách nói vui của các bạn trẻ, nó ám chỉ đến tình trạng tài chính của đa số mọi người vào những ngày cuối tháng. Vậy viêm màng túi là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục thế nào? Hãy đọc ngay bài viết sau, để trang bị thêm kiến thức hữu ích nhé!
Viêm màng túi là gì? Viêm màng túi là một cách nói ẩn dụ cho việc hết sạch tiền, hoặc chỉ còn lại ít tiền lẻ trong ví. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở rất nhiều người, nhất là các bạn sinh viên. Nó khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt và đưa ra quyết định chi tiêu.
Viêm màng túi là gì?
Thật ra, “viêm màng túi” không phải là tên của một bệnh lý nguy hiểm, mà nó được xem là câu cửa miệng quen thuộc của nhiều bạn trẻ khi gặp khủng hoảng về mặt tài chính. Vậy viêm màng túi là gì? Viêm màng túi hay còn gọi là “cháy túi”, là cụm từ lóng nói về việc bản thân đã hết sạch tiền, hoặc chỉ còn lại rất ít tiền trong người. Theo đó, từ “màng túi” ám chỉ đến cái túi quần, túi áo, và ví tiền. Còn từ “viêm” ẩn dụ cho tình trạng khốn khó, và ngặt nghèo.
“Viêm màng túi” không đơn giản chỉ là câu nói bông đùa, hài hước. Mà nó phản ánh phần nào đến lối sống và khả năng kiểm soát chi tiêu của nhiều người trong xã hội hiện đại. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ ai, phổ biến nhất là các bạn thuộc lứa tuổi học sinh, sinh viên. Hoặc những bạn mới vừa tốt nghiệp Đại học và đi làm chưa bao lâu. Đây đều là những đối tượng còn thiếu kiến thức, lẫn kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nên khó tránh khỏi việc bị “cháy túi”.
Viêm màng túi là gì? Là cụm từ lóng ẩn dụ cho việc người nào đó hết sạch tiền, hoặc chỉ còn lại rất ít tiền trong người.
Theo quan sát thực tế cho thấy, ngày nay, phần lớn các bạn trẻ rất xem nhẹ việc quản lý và phân bổ chi tiêu hợp lý. Nhất là vào thời điểm vừa mới nhận lương, họ thường có thói quen ăn xài và mua sắm vô tội vạ. Thế nên, tới những ngày cuối tháng, họ nhanh chóng bị thâm hụt tiền bạc, dẫn đến việc mất khả năng thanh toán cho các nhu cầu thiết yếu. Điều này, cứ tái diễn thành một vòng lặp từ tháng này sang tháng khác, đâm ra nhiều bạn đã quá quen thuộc và bình thường hóa tình trạng “viêm màng túi”.
Nguyên nhân nào gây ra tình trạng “viêm màng túi”?
Tình trạng “viêm màng túi” thường xảy ra vào thời điểm cuối tháng, khiến cho không ít bạn trẻ gặp nhiều khó khăn khi chi tiêu mua sắm, nhằm đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cơ bản. Vậy đâu là nguyên gây ra tình trạng này ở giới trẻ? Sau đây là những nguyên do khiến cho chúng ta bị “cháy túi” hằng tháng:
- Nhu cầu chi tiêu cao: Các bạn trẻ thường có nhu cầu chi tiêu cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu nhập của bản thân. Bởi lẽ, ngoài việc chi trả cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, họ còn thích mua sắm và chi tiền cho nhiều thứ khác, nhằm cải thiện chất lượng đời sống. Vì có nhu cầu cao về vật chất, trong khi điều kiện tài chính lại eo hẹp, nên họ dễ gặp phải tình trạng “cháy túi”.
- Mua sắm tùy hứng: Giới trẻ thời nay mua sắm một cách rất tùy hứng và vô tội vạ. Chưa kể, họ cứ nghĩ rằng mua càng nhiều đồ giảm giá, là càng hời. Vì thế, họ thích cái gì là mua cái đó, chứ chẳng quan tâm nó có thực sự cần thiết và quan trọng hay không. Cách tiêu xài này không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn khiến họ dần bị “nghiện” việc mua sắm và không biết điểm dừng.
- Không có kế hoạch chi tiêu: Đa phần các bạn trẻ không có thói quen lập kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng khoản mục, nên rất khó quản lý và kiểm soát dòng tiền ra vào mỗi ngày. Vì thế, có nhiều lúc, họ chi tiền mua sắm quá tay, làm cho các khoản mục cần chi khác bị thâm hụt ngân sách, kéo theo tình trạng “viêm màng túi”.
Mua sắm quá tay mà không biết tiết kiệm chính là nguyên do khiến cho giới trẻ nhanh bị "cháy túi" vào cuối tháng.
- Không có ý thức tiết kiệm: Nhiều bạn trẻ thiếu kiến thức trầm trọng trong việc quản lý tài chính như: phân bổ ngân sách chi tiêu hợp lý, lập khoản tiết kiệm và đầu tư. Họ chỉ tập trung lo tận hưởng và thỏa mãn những sở thích, thú vui ở thời điểm hiện tại, chứ không lên sẵn kế hoạch và tích lũy tiền cho tương lai. Vì vậy, khi đối mặt với các tình huống khó khăn, cấp bách, họ không có khả năng chi trả ngay, nên buộc phải đi vay mượn người khác.
- Lạm dụng thẻ tín dụng: Một số bạn có thói quen mua sắm bằng thẻ tín dụng, để được hưởng các ưu đãi và chương trình khuyến mãi. Thậm chí, họ còn chấp nhận vay thêm tiền bên ngoài, nhằm thỏa mãn kịp thời những sở thích tiêu dùng cá nhân. Việc lạm dụng thẻ tín dụng, hoặc vay nợ bừa bãi, sẽ dẫn tới tình trạng nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con, gây thâm hụt tài chính trầm trọng.
- Thích chạy theo xu hướng: Giới trẻ thời 4.0 thường có sở thích mua sắm theo xu hướng và trào lưu của đám đông, để sánh kịp với bạn bè và không bị gọi là người quê mùa, lạc hậu. Chính tâm lý thích hơn thua này, đã thôi thúc họ chi tiền nhiều hơn cho các khoản vô bổ, không cần thiết, khiến họ thường xuyên bị “viêm màng túi”.
- Nguyên nhân khách quan: Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như đã kể trên, thì cũng còn nhiều nguyên nhân mang tính khách quan, bất khả kháng. Đây là các khoản chi phí phát sinh bất chợt, nằm ngoài dự định, buộc các bạn trẻ phải chi ra nhiều tiền hơn so với suy tính ban đầu.
Nên làm gì để tránh bị “viêm màng túi”?
Muốn đảm bảo sự ổn định tài chính lâu dài, và tránh rơi vào tình trạng “cháy túi”, thì trước tiên, bạn cần biết cách kiểm soát và quản lý các nguồn thu chi hợp lý. Sau đây là những phương pháp, giúp bạn thiết lập và củng cố nền tảng tài chính bền vững:
- Lập kế hoạch chi tiêu: Trước hết, bạn cần tính tổng thu nhập của mình một tháng là bao nhiêu. Tiếp đến, bạn lập sẵn danh sách các khoản mục cần chi vào mỗi tuần, hoặc mỗi tháng. Khoản nào quan trọng và bắt buộc, bạn nên xếp nó vào hàng ưu tiên. Khi xác định rõ thu nhập và các khoản phải chi, bạn tiến hành phân chia ngân sách một cách hợp lý và cân đối.
- Chi tiêu hợp lý: Trước khi muốn mua sắm thứ gì đó, bạn nên cân nhắc xem nó có cần thiết và hữu ích hay không. Đồng thời, sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên và tiện ích, như điện, nước, dịch vụ viễn thông, giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tránh gây lãng phí tiền bạc.
- Mua sắm thông minh: Thông thường, mỗi cửa hàng sẽ có mức giá bán khác nhau, tuy chênh lệch không quá nhiều, nhưng cũng có thể giúp bạn tiết kiệm được kha khá chi phí. Vì thế, trước lúc mua món đồ nào đó, bạn nên so sánh giá cả ở từng địa điểm khác nhau, để mua được sản phẩm với giá rẻ nhất. Trường hợp, thứ bạn cần mua có giá quá đắt đỏ, vượt ra khỏi ngân sách ban đầu. Thì bạn nên thay thế bằng sản phẩm khác có công dụng tương đương và giá thành rẻ hơn.
Kiểm soát chi tiêu và quản lý tài chính thông minh sẽ giúp chúng ta tránh bị thâm hụt ngân sách.
- Lập quỹ tiết kiệm: Mỗi tháng, bạn cần trích một khoản tiền từ tổng thu nhập, để lập quỹ tiết kiệm cho việc đầu tư, hoặc chi trả các chi phí phát sinh đột ngột, không thể lường trước. Việc tiết kiệm sẽ giúp bạn ứng phó kịp thời với các tình huống cần tiền khẩn cấp xảy ra ở tương lai.
- Hạn chế dùng thẻ tín dụng: Nếu thu nhập hằng tháng có thể đáp ứng mọi khoản chi tiêu trong gia đình, thì tốt hơn hết, bạn nên đóng thẻ tín dụng lại, để không quẹt thẻ vô tội vạ. Chỉ nên dùng loại thẻ này khi không còn sự lựa chọn nào khác, và nhớ phải thanh toán tiền nợ đúng hạn theo quy định.
- Đầu tư thông minh: Trích một phần tiền tích lũy đầu tư vào các hạng mục dài hạn, có khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai. Tuy nhiên, trước lúc rót tiền vào bất kỳ hạng mục nào đó, bạn nên tìm hiểu, xác thực thông tin kỹ lưỡng và đánh giá mức độ sinh lời của nó, để tránh mất tiền vào các dự án “ma”. Việc đầu tư thông minh, có sự tính toán kỹ càng, sẽ giúp bạn dần cải thiện thu nhập và gia tăng giá trị tài sản của bản thân.
- Tăng nguồn thu nhập: Ngoài việc đầu tư, bạn có thể tăng thêm thu nhập bằng cách kiếm thêm việc làm sau giờ hành chính. Hoặc quãng thời gian rảnh rỗi, bạn nên học thêm các kỹ năng và kiến thức mới, để nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển bản thân. Điều này, giúp bạn nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp và tăng mức thu nhập vào mỗi tháng.
Mong rằng, dựa vào những chia sẻ hữu ích trên đây, bạn đã hiểu cặn kẽ về viêm màng túi là gì. Thông qua đó, bạn sẽ xác định được nguyên nhân, cũng như biết cách khắc phục tình trạng này. Hãy luôn nâng cao ý thức trong việc tiết kiệm và quản lý chi tiêu thông minh, để ổn định nền tảng tài chính và tránh bị “cháy túi” bạn nhé!